Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang
Bạn thấy nội dung trên Cổng thông tin xã Định Long - Huyện Yên Định như thế nào?
187 người đã bình chọn
158 người đang online

Tổng quan về xã Định Long, huyện Yên Định

100%

  Công sở xã Định Long

 

         

I. Điều kiện tự nhiên và dân cư

Định Long là một trong 26 xã thị trấn của huyện Yên Định, một huyện nằm ở vùng trung tâm của đồng bằng Thanh Hóa thuộc khu vực hữu ngạn sông Mã, cách thành phố Thanh Hóa gần 30 km về phía Tây Bắc.

Phía bắc giáp xã Định Hải và sông Mã (Sông Mã cũng là ranh giới tự nhiên với xã Vĩnh Hòa huyện Vĩnh Lộc).

Phía nam giáp thị trấn Quán Lào và xã Định Tường.

Phía đông giáp xã Định Hưng.

Phía tây giáp xã Định Liên.

Thuộc khu vực trung tâm của huyện Yên Định, địa hình Định Long kéo dài thành một dải từ hướng Bắc xuống hướng Nam. Định Long có diện tích tự nhiên 437,99 ha (4,37 km2), bằng 1,92% diện tích tự nhiên huyện Yên Định. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 304,5 ha, chiếm 69,5% diện tích tự nhiên toàn xã, diện tích đất phi nông nghiệp là 127,91 ha (trong đó có đất thổ cư 42,2 ha), diện tích chưa sử dụng là 5,58 ha([1]). Theo số liệu thống kê năm 2018, tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 439,36 ha, trong đó có 293,88 ha đất nông nghiệp; 141,1 ha đất phi nông nghiệp; còn lại là 4,38 ha đất chưa sử dụng.

Về phương diện địa chất: Định Long nằm trong đới khâu sông Mã hình thành bởi quá trình trầm tích, bắt đầu từ kỷ Đệ tứ cách đây hàng triệu năm. Qua nhiều thời kỳ phát triển về mặt địa chất, đến thời kỳ Toàn tân (còn gọi là thế Holoxen) cách đây 12 nghìn năm, hình thái châu thổ sông Mã đã tương đối ổn định. Con sông lớn nhất Thanh Hóa sau khi chảy qua các huyện miền núi rồi chảy đến phía bắc huyện Yên Định (tại xã Quý Lộc), sau đó chảy men theo phía bắc tạo thành ranh giới tự nhiên giữa 2 huyện Yên Định và Vĩnh Lộc, trong đó đoạn chảy qua phía bắc xã Định Long dài gần 1km. Do kết quả lắng đọng phù sa của sông Mã những vùng đất ven sông dần dần hình thành. Hàng năm khi nước sông dâng cao tràn vào các vùng đất ven sông, lúc nước rút để lại trên mặt đất lớp đất phù sa màu mỡ có hàm lượng mùn và độ phì cao. Sông Mã chảy qua nhiều đồi núi đá vôi nên trong nước có chứa nhiều muối cacbonnat, tạo nên phù sa có thành phần cơ giới nặng (với hàm lượng Ca, Mg, K cao) góp phần bồi đắp nên vùng đồng bằng phía bắc Yên Định dọc hữu ngạn sông. Từ khi con người xây dựng nên hệ thống đê điều phòng chống lũ lụt, phần lớn phù sa chảy ra biển và chỉ những vùng đất bãi bồi ven sông mới được bổ sung thường xuyên lượng phù sa. Vùng đất phía trong đê trở thành vùng đất phù sa cổ không được bồi đắp, thành phần cơ giới lớp đất mặt thường là đất thịt trung bình, ít chua, các chất dinh dưỡng có hàm lượng trung bình hoặc khá. Đây là loại đất chủ yếu ở Định Long rất phù hợp cho canh tác nông nghiệp. Định Long có khoảng 30 ha đất phía ngoài đê sông Mã, được phù sa bồi đắp hàng năm và được bố trí để trồng các loại cây như dâu, ngô, đậu v.v... Do dòng chảy của sông Mã xoáy về phía hữu ngạn nên cánh bãi của Định Long đã bị lở mất khoảng vài hecta trong gần một thế kỷ qua. Ở đây không có nguồn tài nguyên khoáng sản gì đặc biệt.

  Khí hậu của Định Long mang đặc điểm chung của khí hậu đồng bằng Thanh Hóa, chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa nóng kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch, mùa lạnh từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, xen kẽ là những mùa chuyển tiếp. Nhiệt độ không khí trung bình cả năm là 23,30C. Vào mùa hè cá biệt có năm nhiệt độ lên đến 39 - 39,50C trong 1 - 2 ngày, có những ngày có gió Tây Nam khô nóng thổi về. Số giờ nắng trung bình hàng năm 1650 - 1700 giờ. Vào mùa đông nhiệt độ trung bình là 200C, vào những ngày có sương muối gió bắc thổi về có lúc nhiệt độ hạ xuống dưới 100C. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.519 mm, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11. Nhìn chung, điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc bố trí cơ cấu, cây trồng tạo thuận lợi cho việc sinh trưởng của cây trồng. Nhưng nắng nóng, rét đậm, rét hại, lũ, bảo cũng gây ra những bất lợi cho đời sống và sản xuất.

  Về giao thông: Định Long là địa phương có vị trí rất thuận lợi để giao lưu với các khu vực trong huyện, trong tỉnh. Từ trước tới nay, Định Long luôn nằm trong vùng đất gần kề với huyện Yên Định dù thời Nguyễn về trước huyện lỵ đóng ở Sét Thôn (nay thuộc Định Hải) hay về sau ở thị trấn Quán Lào, do đó điều kiện giao lưu về mọi mặt có lợi thế hơn những vùng xa trung tâm (gần đây một phần đất của Định Long đã được cắt cho thị trấn huyện lỵ Quán Lào). Từ xa xưa, con đường từ tỉnh lộ qua Đông Sơn lên Yên Định rồi Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy là một trong những tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh đều chạy qua phía nam Định Long (làng Tân Ngữ). Từ năm 1925, khi tuyến đường ô tô từ tỉnh lỵ đi La Hán (Bá Thước) hoàn thành thì giao thông càng thuận lợi hơn. Con đường (nay gọi là Quốc lộ 45) nối liền Định Long với các vùng miền xuôi từ Thiệu Hóa đến Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa với các huyện ven biển. Ngược lên phía tây bắc có thể đến thành nhà Hồ, qua Thạch Thành đến Nho Quan (Ninh Bình), Hòa Bình hoặc qua Cẩm Thủy đến Bá Thước, Quan Hóa và sang Lào đã trở thành huyết mạch vô cùng quan trọng của xã Định Long nói riêng và toàn huyện Yên Định nói chung. Các tuyến giao thống liên xã trong vùng càng ngày càng được nâng cấp phục vụ việc đi lại với các xã Định Hải, Định Liên, Định Hưng và các vùng xung quanh. Qua đò Sét sang bên kia sông Mã đi đến với vùng Bồng Báo quê hương của các chúa Trịnh. Toàn bộ các tuyến đường liên thôn, đường ngõ xóm trên địa bàn xã đến nay đều đã được bê tông hóa, do đó việc giao thông đi lại trong xã ngày càng thuận tiện.

  Hiện nay Định Long có 3 cụm dân cư là 3 làng: Là Thôn (ở phía bắc xã), Phúc Thôn (trung tâm xã) và Tân Ngữ (phía nam xã). Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2009, Định Long có 4.633 nhân khẩu chiếm 2,68% dân số toàn huyện. Mật độ dân số trung bình của xã là 1.058 người/km2,cao hơn so với mật độ nhân khẩu toàn huyện (758 người/km2). Đây là lực lượng lao động dồi dào góp phần quyết định vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, khó khăn cần phải giải quyết là tạo được việc làm cho lao động theo phương châm "ly nông bất ly hương".

  Tóm lại, vị trí và điều kiện tự nhiên của Định Long cùng với thế mạnh về tài nguyên đất, dân số, nghề truyền thống là thuận lợi và tiền đề rất lớn để Định Long đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

  II. Quá trình hình thành cộng đồng dân cư.

  Vùng đất Định Long xưa kia thuộc địa bàn Cửu Chân trong nước Văn Lang của các vua Hùng (Bộ Cửu Chân sau đổi thành Ái Châu, rồi đến thời Lý đổi thành phủ Thanh Hóa). Đến thời thuộc nhà Tùy (từ năm 589 - 618), vùng đất Định Long thuộc huyện Quân An, từ giữa thế kỷ thứ VIII huyện Quân Ninh đổi thành huyện An Định ( Yên Định). Tên gọi này từ đó đến nay qua các triều đại nhà Lê, nhà Nguyễn vẫn giữ nguyên không thay đổi. Từ thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) huyện Yên Định là 1 trong 8 huyện thuộc phủ Thiệu Thiên (đến năm 1815 đổi tên thành phủ Thiệu Hóa) là phủ lớn nhất của Thanh Hóa. Có phạm vi từ thành phố Thanh Hóa hiện nay đến phía tây Triệu Sơn và phía đông Thọ Xuân sang Thạch Thành, Cẩm Thủy. Thời Gia Long (1802 - 1820) huyện Yên Định có 8 tổng, (Yên Định, Đa Nê, Đa Lộc, Trịnh Xá, Bái Châu, Khoái Lạc, Đông Lý, Hải Quật), 104 xã thôn. Địa bàn Định Long thuộc tổng Đa Lộc. Tổng này có 108 làng (nay thuộc Định Long, Định Hưng, Định Liên, Định Hải) là Duyên Hy, Vực Phác, Đa Lộc, Trịnh Điện, Duyên Thượng, thôn Vệ thuộc xã Vệ Quốc, thôn Hổ, thôn Ái, thôn Chân Ngữ, trang Đồng Tình. Đến thời Đồng Khánh (1885 - 1888) tổng Đa Lộc cũng gồm 10 xã thôn trang nhưng do dân số phát triển nên có 6 đơn vị được nâng lên thành cấp xã; Xã Duyên Hy, xã Vực Phác, xã Đa Lộc, xã Trịnh Điện, xã Duyên Thượng, xã Chân Ngữ.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các làng thuộc xã Định Long và Định Liên (ngày nay) thuộc xã Kiến Quốc. Sau cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên tháng 1/1946 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, xã Định Long được thành lập bao gồm dân cư và địa dư của xã Kiến Quốc. Đến tháng 10/1953, theo quyết định của cấp trên, 12 xã của huyện Yên Định được giải thể để thành lập xã mới. Xã Định Long được tách thành 2 xã Định Long và xã Định Liên. Xã Định Long gồm 3 làng Tân Ngữ, Là Thôn và Phúc Thôn. Tên gọi của xã  giữ nguyên cho đến ngày nay. Tuy nhiên về quy mô có hẹp hơn so với trước đây. Năm 1989 một phần làng Tân Ngữ được tách ra cùng với nửa làng Thành Phú và một phần làng Lý Yên (xã Định Tường) lập thành thị trấn huyện lỵ Quán Lào. Đến năm 2018, thực hiện sáp nhập thôn, xã có 4 thôn như: Là Thôn, Tân Ngữ 1, Tân Ngữ 2 và Phúc Thôn. Toàn xã có 1.331 hộ với 5.268 nhân khẩu[2].

Nằm trong khu vực đồng bằng hữu ngạn sông Mã, Định Long là một vùng đất cổ. Cách Định Long khoảng 10 km về phía tây nam, tại núi Nuông, núi Quân Yên (ở Định Thành và Định Công), các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật như mảnh tước, rìu tay, công cụ chặt thô của người nguyên thủy thuộc sơ kỳ thời đại đá cũ có niên đại tương đương với di tích núi Đọ (Thiệu Hóa) cách đây hàng chục vạn năm. Như vậy trên vùng đất Yên Định, vùng hữu ngạn sông Mã đã có dấu vết xưa nhất của người nguyên thủy trong buổi bình minh của lịch sử loài người. Trong thời đại đồ đồng và văn hóa Đông Sơn tương đương thời kỳ Hùng Vương dựng nước, vùng đất Yên Định đã được con người khai phá và mở rộng từ vùng trước núi để từng bước chiếm lĩnh toàn bộ đồng bằng. Từ đó cho đến những thế kỷ đầu công nguyên, trên đất Yên Định đã hình thành nhiều địa điểm định cư ,đó là các làng cổ mang tên "Kẻ” như Kẻ Đanh, Kẻ Lào (nay thuộc Định Tường), Kẻ Hổ, Kẻ Vệ (nay thuộc Định Hưng); Kẻ Dền, Kẻ Rọi, Kẻ Bộc (nay thuộc Định Liên); Kẻ Lở (nay thuộc Định Long) v.v.... Đó là những làng Việt cổ hình thành từ các bộ lạc nguyên thủy trước đó.

Trong thời kỳ đất nước độc lập tự chủ nhất là dưới triều Lý, Trần, Lê, quá trình hình thành làng xã đã diễn ra ngày càng sôi động với nhiều khu vực định cư mới lập thành các thôn xã. Vào thời Lê, Định Long là vùng đất cách huyện lỵ Yên Định khoảng 4 km về phía đông nam (địa điểm huyện lỵ đóng ở xã Lê Xá thuộc tổng Trịnh Xá - nay là xã Yên Thái). Trên vùng đất sau này là tổng Đa Lộc, nhiều làng mạc được hình thành trên những khu đất cao dọc sông Mã cho đến vùng phụ cận tạo thành những khu vực dân cư trải rộng khắp vùng hữu ngạn sông.

Qua tìm hiều bằng nhiều nguồn tư liệu,có thể nhận định là vào thời kỳ Hùng Vương tương đương với những năm đầu công nguyên cách đây khoảng 2000 năm, những cư dân đầu tiên đã định cư tại vùng đất Kẻ Lở (nay là Tân Ngữ ) cùng với một số địa điểm khác quanh vùng mang tên “Kẻ”. Sau đó vào thời Lê - Trịnh, làng Huê (Phúc Thôn), làng Là được hình thành. ở Phúc Thôn, các dòng họ như dòng họ Ngô từ Định Hòa, họ Trịnh từ Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc), họ Yên (An) từ Nghệ An. Sau đó các dòng họ khác lần lượt đến tụ cư lập nên làng Phúc Thôn. Ở Là Thôn, dòng họ Trịnh là một dòng họ đến sớm nhất, sau đó là họ Nguyễn, họ Lê, họ Khương và họ Hoàng.

  Như vậy, có thể khẳng định rằng mảnh đất Định Long đã được khai phá từ rất sớm và địa bàn sinh sống của con người ít nhất đã 5- 6 thế kỷ. Thần tích và sắc phong cho thành hoàng của trang Chân Ngữ (nay là làng Tân Ngữ) cho ta biết tại vùng đất này vào thời vua Lý Thái Tông đã xuất hiện một nhân vật nổi tiếng tài đức là quan Thái giám Ngọ Tư Thành. Khi mất ông đã được triều đình phong làm phúc thần. Di tích đền thờ quan Thái Giám Ngọ Tư Thành (hiện nay ở tiểu khu 1 thị  trấn Quán Lào) đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Ông đã được các triều đại phong kiến ban cho nhiều sắc phong, hiện còn lưu giữ được 8 sắc phong (gồm 5 thời Lê, 2 thời Quang Trung và 1 thời Nguyễn).

  Cũng ở làng Tân Ngữ còn có sắc phong cho ông Quản gia Đô Bác Trịnh phủ quân tôn thần. Đây là vị thần được khoảng 50 làng ven đôi bờ sông Mã ở Yên Định và Vĩnh Lộc lập đền thờ. Sắc phong sớm nhất đề năm Cảnh Trị thứ nhất đời vua Lê Huyền Tông ( ngày 24/6/1663). Tuy cùng nằm trên dải đất Định Long, nhưng mỗi làng đều có những điểm riêng biệt.

* Làng Là Thôn: Làng nằm ở phía bắc xã bên bờ hữu ngạn sông Mã. Khi mới thành lập gọi là La Ấp, sau đó mới đổi thành Là Thôn. Theo tư liệu sưu tầm lịch sử Làng năm 2003, làng có diện tích tự nhiên 118,53 ha trong đó có 85,97 ha đất canh tác, 11,38 ha đất khu dân cư. Đặc biệt làng có khoảng 30 ha đất bãi ngoài đê sông Mã. Trước năm 1945, làng chia thành 5 xóm ngõ: Ngõ Cổng, Ngõ Đá, Ngõ Đình, Ngõ Trửa, Ngõ Ba. Dân số lúc đó có 147 hộ, 578 khẩu. Đến nay làng có 5 dòng họ chính: Trịnh, Hoàng, Nguyễn, Lê, Khương. Họ Trịnh là họ lớn nhất, chiếm khoảng 3/4 dân số của làng. Về giao thông, có đường đi Phúc Thôn dài 500m (đã đổ nhựa từ năm 2005), đường đi Định Liên dài 800m (đổ bê tông năm 2008) và 1km đường đê sông Mã (rải nhựa năm 2009). Về thủy lợi, có hệ thống kênh Bắc dài hơn 1 km chảy qua làng đi Định Hải, hệ thống kênh B6 từ đồng làng đi Định Hưng. Làng có 3 xứ đồng lớn là Đồng Quán, Đồng Muôn và Bãi ngoại đê với 34 cánh đồng có tên gọi khác nhau như Cần Đa, Sau Nghè, Rọc Nổ, Trước Đình, Mã Dứa, Vườn Chè... Theo số liệu thống kê năm 2018, thôn có diện tích tự nhiên là 135,64 ha.

  * Làng Phúc Thôn: Làng còn có tên gọi khác là Huê Thôn (hoặc Hoa Thôn) một làng nằm ở khu vực trung tâm của xã Định Long. Làng có 139,5ha đất canh tác với các xứ đồng lớn là Đồng Chum, Hốc Giác, Sau Chùa, Bái Cá, Đồng Lang.....Hình thế của làng giống như một con thuyền, ở vùng giữa phình ra hai đầu hẹp lại và cao hơn là đuôi và mũi thuyền. Làng có 12 con đường chạy ngang qua từ trước làng ra sau làng chia thành từng xóm như khoang thuyền. Theo truyền thuyết khác: Hình thế của làng giống như một con rồng đang vươn vai, chùa Liên Hoa là mũi rồng, ở bên phải và bên trái có 2 giếng nước là mắt rồng, 2 con đường đi từ Nghè sang phía đông tới làng Đồng Tình, phía nam tới làng Tân Ngữ là râu rồng. Năm 2018, thôn có diện tích tự nhiên là 159,08 ha.

  Làng hiện nay có 14 dòng họ: Họ Trịnh, Lê, Bùi, Đoàn, Nghiêm, Đỗ, Phạm. Kiều. Các dòng họ khác từ mọi miền đến đây định cư trong nhiều thời kỳ khác nhau như họ Yên và họ Hoàng từ Nghệ An, họ Nguyễn từ Huế, họ Ngô từ Định Hòa, họ Trần từ Hà Nam vào và họ Lưu từ Hải Phòng đến.

* Làng Tân Ngữ; Trước đây là Kẻ Lở, Trang Chân Lữ rồi đổi thành Chân Ngữ, từ sau cách mạng tháng Tám đến nay là Tân Ngữ. Dân số trước năm 1945 có khoảng 800 người, diện tích khoảng 520 mẫu đất canh tác (400 mẫu đất trồng lúa, 106 mẫu đất màu)(1). Các cánh đồng lớn là Đa Hàng, Dọc Dâu, Con Thuyền, Đồng Chỏng, Ba Cồn v.v.... Trước năm 1945, làng chia thành 5 giáp rồi 5 ngõ: Đông Hà, Trung Tả, Phương Thượng, Đông Tỉnh, Trung Hữu. Sau năm 1945 chia thành 5 xóm: Thắng Long, Tường Long, Ninh Long, Tân Long, Tiến Long  (năm 1989 xóm Tiến Long thuộc về thị trấn Quán Lào. Sau này làng có 3 xóm: xóm Trên, xóm Giữa, xóm Ngoài (chưa kể xóm công giáo thuộc thị trấn Quán Lào). Trước làng và sau làng đều có hồ sen, có Quốc lộ 45 chạy qua giữa làng theo trục Đông Nam - Tây Bắc  là tuyến đường nối thành phố Thanh Hóa và các huyện miền xuôi tới các huyệnVĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Bá Thước. Năm 2018, Tân Ngữ tách thành Tân Ngữ 1 (diện tích tự nhiên là 74,78 ha) và Tân Ngữ 2 (diện tích tự nhiên là 69,86 ha).

  Như vậy, ở Định Long quá trình hình thành cộng đồng làng xã đã diễn ra trong một thời kỳ lịch sử dài hàng chục thế kỷ. Ba làng trong xã là những điểm tụ cư của hàng chục dòng họ đến từ những vùng khác nhau. Trong cuộc sống sinh hoạt và sản xuất, các gia đình và dòng họ đã đoàn kết, giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn để dựng xây cuộc sống, xây dựng cộng đồng dân cư. Đến cuối thế kỷ XIX thì cơ cấu tổ chức và thiết chế làng xã của 3 làng đã tương đối hoàn chỉnh, ổn định với đầy đủ các đặc trưng của những làng Việt cổ vùng đồng bằng sông Mã.

 

[1] Số liệu này lấy theo số liệu trong sách "Địa chí huyện Yên Định" xuất bản năm 2010.

[2] Đảng ủy xã Định Long, Báo cáo Thành tích đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy tặng giấy khen (ngày 24/1/2019).

(1) Năm 1972 đã chuyển cho Duyên Thượng ( Định Liên: 52 mẫu, năm 1982 chuyển cho trại giống Định Tường 20 mẫu

 

                                                                                                                                                     Người thực hiện : Trịnh Thị Thủy

 

 

°